Lựa chọn thuốc điều trị trong một số tình huống lâm sàng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) với đa số bệnh nhân với một liều tiêu chuẩn PPI vào buổi sáng đã đạt được sự kiểm soát tốt cả về pH dạ dày, giảm triệu chứng và lành viêm. Tuy nhiên trong thực tế một số thể lâm sàng cần phải điều chỉnh về liều lượng và cách dùng thuốc.

1. Trào ngược về đêm

Trào ngược xảy ra sau 11 giờ đêm, ban ngày triệu chứng trào ngược rất nhẹ. Những trường hợp này đa số là viêm thực quản. Điều trị với 1 liều PPI buổi sáng có 10-15% bệnh nhân vẫn còn triệu chứng.

Lời khuyên:

          + Liều PPI buổi sáng chuyển xuống uống trước bữa ăn tối

          + Liều PPI buổi sáng chuyển xuống uống trước bữa ăn tối 30 phút – 1 giờ kèm theo 1 liều ức chế H2 trước khi đi ngủ.

          + Liều PPI buổi sáng kèm theo 1 liều PPI trước bữa ăn tối 30 phút – 1 giờ

          + PPI 2 lần/ 1 ngày sáng chiều kết hợp với 1 liều ức chế H2 trước khi đi ngủ.

Ảnh: Nhà thuốc tại phòng khám Hoàng Long

Ảnh: Nhà thuốc tại phòng khám Hoàng Long

2. Trào ngược không gây tổn thương niêm mạc thực quản qua nội soi

Một số bệnh nhân không thấy tổn thương qua hình ảnh nội soi nhưng vẫn có triệu chứng của GERD. Các bệnh nhân này đáp ứng với PPI chưa tốt. Các công trình nghiên cứu cho thấy sau điều trị 4 tuần  với Omeprazole chỉ có 46% đáp ứng hoàn toàn, 57% hết triệu chứng nóng rát sau xương ức.

Sử dụng Dexlansoprazole và Esomeprazole cũng không cải thiện các triệu chứng của GERD hơn các PPI thế hệ cũ.

Tăng liều PPI lên 2 lần/ ngày dường như không có tác dụng với nhóm bệnh nhân này và đây cũng là một thách thức trong thực hành lâm sàng.

3. Chứng đau ngực không do tim

Các bệnh nhân được chẩn đoán đau ngực không do nguyên nhân tim mạch mà nghi ngờ do trào ngược dạ dày thực quản. Chẩn đoán GERD trong những trường hợp này dựa vào có tổn thương thực quản qua nội soi dạ dày  và đo pH thực quản 24 giờ. Hiện tại kỹ thuật đo pH thực quản 24h chưa được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam.

Với các trường hợp này nên dung thuốc như sau:

• Các bệnh nhân có các cơn đau >=3 lần/1 tuần nên bắt đầu bằng test PPI liều cao trong 7-14 ngày. Ví dụ omeprazole sáng 40mg và 20mg tối, uống trước bữa ăn 30 phút.

• Các bệnh nhân có các cơn đau ít hơn 1 lần/tuần thì điều trị thử với PPI nhưng số ngày kéo dài hơn từ 4-8 tuần, sau đó cần điều trị duy trì.

• Khoảng 50-70% bệnh nhân đáp ứng với thử nghiệm này được chẩn đoán nguyên nhân gây đau ngực không do tim mà do GERD.

4. Trào ngược với các triệu chứng ngoài thực quản

Bệnh nhân có hội chứng ngoài thực quản GERD cần điều trị PPI liều cao (thường 2 lần/ ngày) và kéo dài từ 3 – 6 tháng.

Các bệnh nhân có triệu chứng GERD và hội chứng về hô hấp như ho kéo dài và hen việc điều trị kết hợp PPI với thuốc ức chế H2 đôi khi cũng được áp dụng trong một số những trường hợp khó. Nếu một số bệnh nhân chưa đạt kết quả như mong muốn có thể dùng baclofen, lesogaberan là thuốc tác động lên cơ thắt thực quản dưới.

5. Trào ngược ở phụ nữ có thai

Tỷ lệ phụ nữ có thai bị GERD chiếm 45-80% trong một số nghiên cứu. Với sự ra đời của kỹ thuật nội soi đường mũi, chỉ định soi dạ dày cho các phụ nữ có thai trở nên dễ dàng và an toàn. Quy trình điều trị GERD ở phụ nữ có thai áp dụng theo các bước:

• Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt

• Sử dụng thuốc kháng toan loại chứa acid algenic (ví dụ như Gaviscon, Topaal)

• Sucralfat

• Các thuốc ức chế H2 trừ nizatidine

• Các PPI: lansoprazole, pantoprazole, rabeprazole, esomeprazole, dexlansoprazole được sử dụng trừ omeprazole. Các PPI nêu trên an toàn với phụ nữ có thai kể cả 3 tháng đầu của thai kì.

Ảnh: Trào ngược dạ dày ở phụ nữ có thai

Ảnh: Trào ngược dạ dày ở phụ nữ có thai

6. Trào ngược ở người lớn tuổi

Người lớn tuổi các triệu chứng của GERD không rõ lắm nhưng hay gặp biến chứng. Về mặt điều trị không nên chọn thuốc ức chế H2 vì có thể gây ra trầm cảm. Khi sử dụng metoclopramide cần chú ý tác dụng ức chế dopamine trung ương của thuốc này.

7. Trào ngược gây hẹp thực quản

Điều trị cùng với PPI, nong thực quản bằng bóng được chỉ định cho trường hợp hẹp thực quản do trào ngược. Một vài trường hợp nặng có thể xem xét phẫu thuật.

8. Trào ngược gây Barrett thực quản

Tất cả các trường hợp Barrett thực quản đều cần điều trị PPI lâu dài.

Kết hợp PPI với phương pháp quang đông, laser argon hoặc dùng nhiều đầu dò đốt qua nội soi. Sau khi sinh thiết tùy thuộc mức độ loạn sản để có chế độ theo dõi định kỳ bằng nội soi và đề xuất biện pháp điều trị thích hợp:

+ Không có loạn sản (sau 2 lần sinh thiết), nội soi kiểm kra lại sau 2-3 năm/ 1 lần.

+ Loạn sản thấp, kiểm tra nội soi 6 tháng – 1 năm/ lần.

+ Loạn sản cao nên phẫu thuật, phẫu thuật, cắt đốt phá hủy bằng sóng cao tần,  laser argon hoặc theo dõi nội soi 3 tháng/ 1 lần.

Mua thuốc dễ dàng - an tâm phục vụ tại nhà thuốc phòng khám đa khoa Hoàng Long

Ảnh: Mua thuốc dễ dàng - an tâm phục vụ tại nhà thuốc phòng khám đa khoa Hoàng Long

Những người lớn tuổi bị GERD kéo dài cần chú ý tầm soát Barrett thực quản.

"Sức khỏe là Khởi nguồn của hạnh phúc"

Thông tin liên hệ tới Phòng khám Đa Khoa Hoàng Long

- Địa chỉ:

CS1: Tầng 10 Tòa tháp VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội - SĐT: 024 628 11 331

CS2: Tầng 18 Toà nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội - SĐT: 024 320 22 331

- Hotline: 19008904

- Zalo: 0986954448

- Fanpage: www.facebook.com/phongkhamdakhoahoanglong


Đăng ký khám