Tư vấn sức khoẻ online: Trào ngược dạ dày ngoài thực quản

Trào ngược dạ dày ngoài thực quản là bệnh tiêu hóa nhưng có một số biểu hiện giống hô hấp, tai mũi họng nên khó phát hiện, bệnh lâu khỏi, nhanh tái phát, dễ bị nhầm lẫn sang các bệnh lý khác. Vậy trào ngược dạ dày ngoài thực quản xảy ra như thế nào? Và các triệu chứng của bệnh là gì? Hãy cũng GS.TS Đào Văn Long giải đáp các thắc mắc này nhé!

Tư vấn sức khoẻ online trào ngược dạ dày ngoài thực quản

Ảnh minh họa: Tư vấn sức khoẻ online trào ngược dạ dày ngoài thực quản

Hỏi

1. Thưa GS, GS có thể cho cháu biết trào ngược dạ dày trong thực quản khác trào ngược dạ dày ngoài thực quản thế nào?

GS trả lời

Giống nhau: Đều có nguyên nhân do dịch và axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản.

Khác nhau:

Trào ngược dạ dày trong thực quản: axit trào lên gây ra những tổn thương ở trong thực quản, không có triệu chứng ở ngoài thực quản.

Trào ngược dạ dày ngoài thực quản: Axit trào lên gây ra những tổn thương ở các cơ quan khác như hô hấp, tai mũi họng, răng hàm mặt,… có thể có triệu chứng của trào ngược trong thực quản.

GS.TS Đào Văn Long khám bệnh cho bệnh nhân tại Phòng khám Đa khoa Hoàng Long

Ảnh: GS.TS Đào Văn Long khám bệnh cho bệnh nhân tại Phòng khám Đa khoa Hoàng Long

► Đọc thêm: Nội soi dạ dày có thể phát hiện được mức độ nào của trào ngược dạ dày thực quản

2. Thưa GS, khoảng 2 tuần gần đây cháu có triệu chứng đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi, đầy bụng và ăn được rất ít. Cháu có đi khám tim mạch và hô hấp thì không có vấn đề gì cả, trước đó cháu có được chẩn đoán mắc rối loạn lo âu và lo lắng rất nhiều. Liệu cháu có phải bị trào ngược không và GS có lời khuyên như thế nào để cháu có thể thăm khám chính xác ạ?

GS trả lời

Để khẳng định ngay cháu bị trào ngược là tương đối khó, tuy nhiên không thể loại trừ được khả năng trào ngược. Trong thời điểm covid mình chưa thể đi thăm khám bệnh được, cháu có thể sử dụng thử một số loại thuốc PPI như: Nexium, Pariet hoặc Pantoloc,… Cháu sử dụng trong vòng 2 tuần mỗi ngày 1 viên sáng trước ăn 30 phút, nếu tình trạng bệnh thuyên giảm thì cháu đã bị trào ngược. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trào ngược dạ dày có liên quan rất chặt chẽ đến các rối loạn tâm lý. Do đó, để bệnh nhanh khỏi và không tái phát thì cháu cũng nên giữ cho mình một tâm trạng thoải mái, vui vẻ, ăn uống ngủ nghỉ điều độ, khoa học,… Chúc cháu luôn khoẻ mạnh!

► Đọc thêm: Lựa chọn thuốc điều trị trong một số tình huống lâm sàng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

3. Chào BS, khoảng mấy năm gần đây tôi bị viêm họng hạt mạn tính. Thỉnh thoảng khi nằm, tôi cảm thấy bị ngứa ngứa họng, muốn ho và có cảm giác tanh tanh ở mũi và họng. Tôi đi khám tai mũi họng thì BS bảo là có thể tôi bị trào ngược. Vậy bây giờ tôi nên điều trị ở chuyên khoa tai mũi họng hay chuyên khoa tiêu hoá ạ? Cảm ơn bác sĩ. (Bác Hà – 68 tuổi – Quảng Ninh)

GS trả lời

Chào bác, viêm họng hạt có nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân chủ yếu đến từ trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, các triệu chứng bác nêu ra chưa thể chẩn đoán chắc chắn mình bị mắc trào ngược dạ dày. Vì vậy, tôi có vài lời khuyên cho bác như sau. Thứ 1, khi nào dịch bệnh thuyên giảm mình nên đi nội soi dạ dày. Thứ 2, hiện tại nếu chưa thể đi khám được thì bác có thể điều trị thử bằng các loại thuốc PPI như: Nexium, Pariet, hoặc Pantoloc,… Nếu tình trạng bệnh của mình thuyên giảm thì chắc chắn đó là trào ngược, và khi đó bác nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa tiêu hoá để được bác sĩ tư vấn một cách tốt nhất, không tự ý mua thuốc về tự điều trị ở nhà. Chúc bác luôn mạnh khoẻ!

► Đọc thêm: Vì sao trào ngược dạ dày thực quản gây ho?

Triệu chứng của trào ngược dạ dày ngoài thực quản

Ảnh minh hoạ: Triệu chứng của trào ngược dạ dày ngoài thực quản

4. Chào BS. Mẹ chồng em năm nay 76 tuổi, khoảng 5 năm trở lại đây thì em thấy hơi thở của bà rất khó chịu. Mẹ chồng em là người sạch sẽ, ăn ngủ tốt, đi khám tổng quát thấy không có gì bất thường. Vậy em có nên khuyên bà đi khám dạ dày không ạ?

GS trả lời

Chào bạn, về trường hợp của mẹ chồng bạn, tôi có một số lời khuyên như sau:

• Thứ 1: Đối với các cụ lớn tuổi trước hết bạn nên cho bà kiểm tra răng miệng.

• Thứ 2: Bạn cho bà đi kiểm tra dạ dày xem bà có vi khuẩn HP hay không.

• Thứ 3: Mình cho bà đi nội soi dạ dày xem bà có bị mắc các bệnh lý về dạ đặc biệt là kiểm tra xem van tâm vị có bị hở hay không. Lúc đó, bác sĩ mới có thể kết luận được nguyên nhân hơi thở có mùi của mẹ chồng bạn là do đâu. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khoẻ.

► Đọc thêm: Vì sao trào ngược dạ dày lại gây hôi miệng?

5. Thưa GS Long, cháu năm nay 25 tuổi, 2 tháng trước cháu đi nội soi tại phòng khám đa khoa Hoàng Long thì được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, dị sản niêm mạc thực quản 4mm. GS cho cháu hỏi các đám dị sản này có nguy hiểm không và điều trị như thế nào ạ? Cháu cảm ơn GS.

GS trả lời

Chào cháu. Như bác thấy đám dị sản niêm mạc thực quản của cháu tương đối lành tính và đang còn khá nhỏ. Vì vậy, cháu không cần phải lo lắng, chỉ cần thăm khám sức khoẻ định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, nếu đám dị sản tăng kích thước hoặc có nguy cơ ác tính hoá thì bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp cho cháu nhé. Chúc cháu luôn khoẻ mạnh!

Trào ngược dạ dày thì phải làm sao?

Ảnh minh họa: Trào ngược dạ dày thì phải làm sao?

► Đọc thêm: Làm sao để nhận biết mình bị trào ngược dạ dày thực quản độ A?

6. Cháu chào GS. Cháu bị trào ngược thực quản đã đi khám và uống thuốc được 2 tháng. Hiện đã uống thuốc ở tháng thứ 3 nhưng cháu vẫn đang bị đầy hơi nhiều. Bác có thể cho cháu lời khuyên là ngoài uống thuốc còn có cách nào để giảm đầy bụng, ợ hơi vì cháu cũng đã tuân thủ phác đồ điều trị cũng như chế độ ăn uống, ngủ nghỉ của bác sĩ. Nếu cháu không đáp ứng thuốc thì có thể phẫu thuật được không ạ? (Bạn Phạm Ngọc Diệp – Hà Nội)

GS trả lời

Chào cháu. Khi sử dụng thuốc giảm tiết axit trong thời gian dài thì có thể gây ra đầy bụng. Nếu các triệu chứng khác của cháu như ợ hơi, ợ chua,… đã thuyên giảm thì cháu có thể giảm liều thuốc xuống, thay vì 1 ngày uống 1 viên thì cháu có thể uống 2 ngày 1 viên. Cháu cũng nên điều chỉnh lại chế độ ăn một chút, mỗi bữa mình nên ăn ít, ăn thành nhiều bữa, nhai kỹ và không nằm ngay sau khi ăn, hạn chế các loại thực phẩm gây sinh hơi nhiều như: dầu mỡ, tinh bột,… Chúc cháu luôn khoẻ mạnh!

7. Thưa GS, thời gian dùng thuốc PPI trong 1 đợt điều trị là bao lâu ạ? Người nhà em đã uống thuốc khá lâu nhưng không đỡ, liệu rằng cứ tiếp tục uống thuốc có ảnh hưởng gì không và có cần khám lại để thay đổi thuốc không ạ? Cảm ơn GS ạ. (Nguyễn Thị Tuyền – Bắc Ninh)

GS trả lời

Chào bạn. Thời gian sử dụng thuốc PPI sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý người bệnh mắc phải. Có người sử dụng 6 tuần, 8 tuần,… hoặc có người phải điều trị PPI cả đời. Về liều lượng, có người sẽ uống ½ liều tiêu chuẩn, có người lại uống gấp 2 lần liều tiêu chuẩn,…Vì vậy, nếu người nhà bạn đã điều trị được một thời gian rồi chưa đỡ thì bạn có thể đưa người nhà đến cơ sở y tế để bác sĩ có thể thăm khám và điều chỉnh lại đơn thuốc cho phù hợp với mình nhé. Ngoài ra, ở nhà mình cũng có thể thực hiện biện pháp kê cao đầu giường lên khoảng 25cm (chú ý kê chân giường chứ không phải kê cao gối) để hạn chế trào ngược nhé. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khoẻ!

Trào ngược dạ dày thực quản - nên khám ở đâu?

Phòng khám đa khoa Hoàng Long tự hào là đơn vị y tế chuyên sâu về tiêu hóa, gan mật được hàng trăm nghìn khách hàng trên cả nước tin tưởng lựa chọn.

Nội soi tiêu hóa tại Phòng khám Đa khoa Hoàng Long

Ảnh: Nội soi tiêu hóa tại Phòng khám Đa khoa Hoàng Long

Hệ thống máy móc ở cả 2 cơ sở đều vô cùng hiện đại trong đó nổi bật với dây nội soi phóng đại 7000 zoom của hãng Fuijfilm. Đây là loại dây soi hiện đại bậc nhất trên thế giới hiện nay với chế độ nhuộm màu ảo kết hợp phóng đại lên tới 300, giúp phát hiện những tổn thương như viêm loét dạ dày, tá tràng;…ngay từ giai đoạn rất sớm. Bên cạnh đó, Phòng khám Đa khoa Hoàng Long cũng là đơn vị y tế tiên phong trong việc ứng dụng các kỹ thuật mới, hiện đại trong việc thăm khám và điều trị trào ngược dạ dày thực quản như: Kỹ thuật đo áp lực nhu động thực quản, Đo PH và trở kháng 24h,... Đây là những kỹ thuật được đánh giá là "tiêu chuẩn vàng" trong chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày thực quản. 

Ngoài ra, đội ngũ y bác sĩ tại Phòng khám là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tiêu hoá, gan mật; có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện lớn như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đại học Y, bệnh viện E,… sẽ mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng đến thăm khám và điều trị tại đây.

Thông tin liên hệ tới Phòng khám Đa Khoa Hoàng Long

- Địa chỉ:

CS1: Tầng 10 Tòa tháp VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội - SĐT: 024 628 11 331

CS2: Tầng 18 Toà nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội - SĐT: 024 320 22 331

- Hotline: 19008904

- Zalo: 0986954448

- Fanpage: www.facebook.com/phongkhamdakhoahoanglong


Đăng ký khám